VIỆT NAM NĂM 2020: COVID, BÃO LŨ VÀ TÌNH NGƯỜI

 

VIỆT NAM NĂM 2020: COVID, BÃO LŨ VÀ TÌNH NGƯỜI


Nam Việt

Như một thói quen, khi kết thúc một năm dương lịch, phần lớn trong chúng ta đều cùng ngồi lại, nhìn nhận và suy ngẫm về những vấn đề, sự kiện, kỷ niệm đã trải qua trong 365 ngày vừa qua. Đối với người dân Việt Nam, năm 2020 có lẽ là một trải nghiệm khó có thể quên.

Năm của COVID

Đây là năm mà người dân Việt Nam chứng kiến ảnh hưởng sâu sắc, rõ rệt của tình hình dịch bệnh với sự xuất hiện của Sars-Cov-2, chủng virus mới đe dọa tới tính mạng của hàng triệu con người trên thế giới. Cho đến nay, cả thế giới vẫn đang gồng mình để chống đỡ với những tác động tiêu cực mà dịch bệnh nguy hại này mang lại. Đó không đơn thuần là vấn đề sức khỏe của con người mà nó đã gây ra hậu quả tiêu cực tới cả kinh tế, chính trị, an sinh xã hội của tất cả các quốc gia. Hàng triệu con người lâm vào cảnh thất nghiệp, hàng trăm nghìn doanh nghiệp lâm vào tình thế lao đao, kiệt quệ, phải phá sản. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, sự nguy hiểm của virus Sars-Cov-2 khiến chúng ta phải đóng cửa đường hàng không đến Việt Nam, hạn chế tối đa việc xuất cảnh của người dân, khiến cả quốc gia phải trải qua những ngày cách ly toàn xã hội (gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh các ly với tỉnh…). Dịch bệnh đến, rồi đi, nhưng những hậu quả mà nó mang lại vẫn luôn khiến con người ta thấp thỏm, âu lo, sợ hãi mỗi khi có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Của bão lũ

Hàng triệu con người ở sáu tỉnh miền Trung lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất sau khi trải qua gần ba tuần mưa lũ dồn dập. Chưa năm nào, miền Trung Việt Nam phải chịu đựng dồn dập của nhiều cơn bão đến như vậy. Trong vòng 20 ngày đầu tháng 10, miền Trung ghi nhận đợt mưa kỷ lục, dị thường khiến mực nước trên các sông đều đồng loạt vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Tưởng như cảnh tượng nhà tan hoang, không nơi lưu trú những tưởng đã là thảm cảnh thì người dân nơi đây còn phải chứng kiến sự mất mát, đau thương tột cùng khi người thân bị nước lũ cuốn trôi, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân đã mãi mãi ra đi. Năm 2020 đã cho chúng ta thấy rõ rệt sự khắc nghiệt khi môi trường sống bị thay đổi như thế nào.

… và tình người

Không phải đến bây giờ, câu chuyện về tình người mới được nhắc đến trong bối cảnh Việt Nam đã và đang trải qua những vấn đề khó khăn về thiên tai, dịch bệnh. Nhưng chỉ khi trải qua sự khắc nghiệt của dịch bệnh, thiên tai, câu chuyện này mới thấy "thấm thía" đến nhường nào. Khi cả xã hội phải trải qua những ngày tháng cách ly xã hội, đồng nghĩa với việc rất nhiều lợi ích kinh tế, xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng những cây ATM "gạo" lại bỗng dưng xuất hiện để thể hiện cho tấm lòng "mọi người vì một người". Hay như khi người dân miền Trung đang phải gồng mình để chống chọi lại sự đe dọa của mưa lũ thì những mạnh thường quân, những con người sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo để chung tay, góp sức vì miền Trung thân yêu lại xuất hiện. Đứng dưới góc độ khoa học, nếu hành động đó xuất hiện một lần hoặc hai lần thì chúng ta có thể ghi nhận là hiện tượng. Nhưng khi nó xuất hiện với tần suất ngày một nhiều thì phải ghi nhận đó là bản chất. Mà đã là bản chất thì không phải là thứ có thể dễ dàng thay đổi được. Lịch sử đã chứng minh, từ trong những ngày tháng gian khổ nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chính từ tấm lòng nhường cơm, sẻ áo đó thì dân ta mới có lực để đánh đuổi giặc ngoại xâm, mới có lực để xây dựng đất nước như ngày hôm nay. Nên nói thành quả chống dịch, chống thiên tai của Việt Nam vừa lạ, vừa không lạ. Lạ ở chỗ, Việt Nam là quốc gia chưa có tiềm lực mạnh về kinh tế để có thể triển khai mạnh mẽ những biện pháp chống dịch, chống thiên tai như những quốc gia phát triển khác nhưng lại có kết quả chống dịch rất hiệu quả. Nhưng không lạ ở chỗ, chúng ta - người dân Việt Nam vốn sẵn có tình yêu thương, đùm bọc, tính cố kết cộng đồng sâu sắc mà hiếm có dân tộc nào có được nên khi cả nước và nhân dân cùng đồng lòng thì mọi chủ trương, chính sách sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đó là lý giải cho sự thành công của Việt Nam trong năm 2020 vừa qua.

Minh chứng rõ nét nhất có thể ghi nhận: Khi Việt Nam đang cùng nhau xuống đường để chào mừng năm mới 2021 thì ở bên ngoài, các quốc gia đang phải làm điều tương tự trong tình cảnh giãn cách xã hội "bắt buộc". Đó là kết quả cho sự đồng lòng, tình yêu thương, đùm bọc, vì lợi ích chung của xã hội mà toàn bộ người dân Việt Nam đã và đang giữ gìn và phát huy./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vì sao Việt Nam lại là một trọng điểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”?

Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19: 'Thương y bác sĩ hết lòng'

Những sai lầm của tuổi 20 – ai mà chẳng từng trải qua nhỉ?