20 năm, Việt Nam gấp rút để trở nên giàu mạnh

 Kết quả điều tra dân số Trung Quốc năm 2020 vừa công bố ngày 11/5 cho thấy, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, số người trong độ tuổi lao động giảm. Số người trong độ tuổi lao động (từ 15-59 tuổi) có 894,38 triệu, chiếm 63,35% dân số, giảm 6,79% so với năm 2010. Số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống là 253,38 triệu, tương đương 17,95% dân số và số người từ 65 tuổi trở lên là 190,64 triệu, chiếm 13,5% dân số.

Theo tiêu chí của UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc), một quốc gia có tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi tối đa chiếm 30% và người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) dưới 15% tổng dân số, được coi là ở thời kỳ dân số vàng. 

Với tiêu chí này, Trung Quốc vẫn nằm trong giai đoạn dân số vàng. Tuy nhiên, số lượng người trên 65 tuổi gia tăng nhanh, từ 7% dân số năm 2000 lên 13,5%, cho thấy xu hướng già hóa dân số của Trung Quốc khó có thể bị đảo ngược. Bốn thập niên qua, Trung Quốc phát triển kinh tế nhờ lực lượng nhân công dồi dào nhưng đất nước này đang trên đường từ dư thừa lao động chuyển sang thiếu nhân công, với nhịp độ nhanh nhất trong lịch sử. 

Trung Quốc đã trở thành một xã hội của người già trong vòng chỉ 20 năm, quá nhanh so với Pháp (140 năm), Thụy Điển (85 năm), Hoa Kỳ (72 năm). Vấn đề là việc lão hóa diễn ra trong lúc GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ mới khoảng 10.000 USD/năm, còn ở các nước phát triển là trên 30.000 USD/năm, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và những mục tiêu lớn của quốc gia.

20 năm, gấp rút để trở nên giàu mạnh-1

Việt Nam từ năm 2007 đã bước vào thời kỳ dân số vàng và hiện có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm gần 70% dân số, trong đó khoảng nửa là những người trẻ, dưới 34 tuổi. Tuy nhiên, kết quả Tổng điều tra dân số Việt Nam năm 2019 cũng cho thấy, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Năm 2019 cả nước có 11,4 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số và chỉ số già hóa tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019. Dự báo số người từ 65 tuổi trở lên sẽ đạt trên 10% vào năm 2026 và vượt 15% vào năm 2039. 

Đây cũng là thời điểm chấm dứt thời kỳ dân số vàng ở Việt Nam.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nước đang phát triển, nếu không bứt phá trong giai đoạn dân số vàng, sẽ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia phát triển.

Đã trôi qua hơn 10 năm đầu của thời kỳ dân số vàng. Dự báo giai đoạn 2030-2040 nhiều khả năng sẽ già hóa. Do đó chỉ còn giai đoạn từ 2020-2030 là khoảng thời gian tối ưu, là cơ hội cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế.

Thời gian không chờ đợi

Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng mới chỉ là khả năng và cơ hội, chứ không phải là sự đảm bảo cho những bứt phá về kinh tế. Vấn đề quan trọng là những người trong độ tuổi lao động phải có khả năng làm việc, phải có việc làm và tạo ra năng suất cao. 

Năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp xa so với các nước trong khu vực. Thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan. Một trong những nguyên nhân chính của năng suất lao động thấp là do trình độ, năng lực của người lao động. 

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lao động giản đơn chiếm tỷ lệ 39% vào năm 2009, giảm xuống còn 36% vào năm 2018. Trong 10 năm chỉ giảm được 3%, tức là suốt một thời gian dài, nền kinh tế gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ. Trong khi đó, Việt Nam đang thiếu những lao động lành nghề, các nhóm có chuyên môn kỹ thuật, nhà quản lý, đổi mới sáng tạo. Đây mới là những nhóm có khả năng dẫn dắt nền kinh tế.

Nếu so sánh với một số nước trong khu vực, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam có vẻ "tiến bộ" nhưng vấn đề chất lượng, bằng cấp vẫn là điều đáng lo ngại.Hầu hết lao động được tuyển dụng vào làm việc vẫn phải đào tạo lại, thậm chí rất nhiều người phải làm trái ngành nghề.

20 năm, gấp rút để trở nên giàu mạnh-2

Chỉ số phát triển con người HDI, một thước đo về chất lượng dân số, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố, năm 2019 Việt Nam xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chưa bao giờ Việt Nam lọt vào top 100 nước phát triển nhất, chưa rút ngắn được khoảng cách so với các nước trên thế giới. Trong đó, năng suất lao động vẫn là thành tố yếu nhất khi nói đến chất lượng dân số.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện có gần 70% DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc tuyển dụng được các cán bộ kỹ thuật có tay nghề, để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Với nhân lực cho những vị trí đòi hỏi khả năng tư duy chiến lược và tư duy lãnh đạo thì còn khó tìm hơn. Vì thế, họ phải tìm nhân sự thay thế từ các quốc gia khác.

Trong khi đó, một DN cơ khí tại Đồng Nai, đang là nhà cung cấp cho DN FDI cho biết, trình độ quản lý, nghiệp vụ quản trị sản xuất của đội ngũ cán bộ hạn chế, khiến DN lâm vào khó khăn, chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu hoặc hàng sản xuất nhiều nhưng chi phí lại quá cao... Ngoài vấn đề thiếu lao động chất lượng cao thì tính kỷ luật của người lao động vẫn còn thấp, tình trạng bỏ việc, nghỉ việc bừa bãi. 

Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần phải chuyển sang nền kinh tế số. Chuyển đổi số sẽ giúp tăng năng suất lao động, giúp Việt Nam bứt phá vươn lên. 

Tuy nhiên, khảo sát các DN cho thấy, quá trình này đang gặp nhiều thách thức. Hầu hết các DN Việt Nam vẫn chưa biết phải bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ đâu. Những DN có quy mô vừa và nhỏ hiện rất mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số. Phần lớn chưa tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số, chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số, thiếu chiến lược kinh doanh trên nền tảng số... Nguyên nhân chính là nguồn nhân lực số thiếu.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhật Bản và CHLB Đức bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành quốc gia phát triển là nhờ đội ngũ lao động có tay nghề, có kỹ năng, được đào tạo bài bản. 

Theo các nhà nhân khẩu học, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam chỉ kéo dài khoảng  20 năm nữa và không quay lại. Vì vậy, trong khoảng thời gian này cần đào tạo được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước. Chúng ta cần khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Thực tế, cơ hội dân số vàng không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được “giành lấy” để “đẻ” ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Do đó, cần có một chính sách quản trị thị trường lao động tốt. Cần có những quy định cụ thể để gắn kết giữa cơ sở đào tạo, dạy nghề và thị trường. Hệ thống giáo dục phải đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động,thì sẽ trở thành động lực mạnh của nền kinh tế, đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trần Thủy

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vì sao Việt Nam lại là một trọng điểm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”?

Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19: 'Thương y bác sĩ hết lòng'

Những sai lầm của tuổi 20 – ai mà chẳng từng trải qua nhỉ?